Chuyện tách - nhập Hà Nội thời xưa

Latios

Gió lạnh đầu buồi
Vietnam
Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và lấy thành phố Hà Nội (khu vực nội thành) làm nhượng địa, thì trong gần suốt thời nhà Nguyễn, tỉnh Hà Nội bao gồm toàn bộ thành phố Hà Nội và phần lớn tỉnh Hà Tây cũ, cùng toàn bộ tỉnh Hà Nam ngày nay.

Còn nói đến khu vực thành Thăng Long từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn, chúng ta sẽ hình dung ra địa danh phủ Hoài Đức, với hai huyện là Thọ Xương và Quảng Đức, bao gồm 36 phường trong đó.

Sử sách viết về những lần thay đổi địa giới của Hà Nội thế nào? Có thể lần tìm từ cuốn địa chí đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam, cuốn "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi, soạn từ năm 1435, trong đó, ở phần Thượng kinh, viết: "Tiền Lý gọi nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (tức thành Thăng Long bây giờ - thời Lê). Thượng kinh là kinh đô vua. Thời Ngô, quận thú là Sĩ vương (tức Thái thú Sĩ Nhiếp) đóng đô ở đấy. Thời Đường, quan đô hộ là Cao vương (Cao Biền) đắp thành Đại La ở đấy. Từ Lý đến nay, cũng đóng đô ở đấy. Có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường".

Chuyện tách - nhập Hà Nội thời xưa -0
Bản đồ Hà Nội thời thuộc Pháp.
Sách "Đồng Khánh địa dư chí" biên soạn thời Vua Đồng Khánh triều Nguyễn cũng dẫn giải: "Sau khi Lý Thái Tổ dời đô về Đại La, đổi tên thành Thăng Long, đặt phủ Ứng Thiên thống nhiếp các vùng phụ quách Hoàng thành. Năm 1014 đổi phú Ứng Thiên thành Nam Kinh. Đời Trần đổi làm phủ Đông Đô, thuộc lộ Đông Đô, gồm phủ Đông Đô và huyện Từ Liêm. Thời quân Minh xâm lược nước ta, chúng đổi tên thành huyện Đông Quan".

Sách "Đại Nam nhất thống chí", chép từ "Đại Thanh nhất thống chí", cho biết thời thuộc Minh, quân Minh đặt phủ Giao Châu lĩnh 5 châu là Phúc Yên, Uy Man, Lị Nhân, Từ Liêm và Tâm Đái. 13 huyện là Đông Quan, Từ Liêm, Thạch Thất, Phù Lưu, Thanh Đàm, Thanh Oai, Ứng Bình, Bình Lục, Lị Nhân, Yên Lãng, Yên Lạc, Phù Ninh và Lập Thạch.

Sang thời Vua Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (1430), đổi Đông Quan làm Đông Kinh, còn gọi là Trung Đô. Thời Lê trung hưng, từ đời Vua Lê Hiển Tông trở đi gọi Thăng Long là Đông Đô, do Thanh Hóa lúc đó được gọi là Tây Đô.

"Dư địa chí" của Nguyễn Trãi cũng viết về Thượng kinh: "Phủ, gọi là phủ Phụng Thiên. Hai huyện là Thọ Xương (xưa gọi là Vĩnh Xương) và Quảng Đức, mỗi huyện có 18 phường". Tuy nhiên, nhiều khả năng câu giải thích này là do các tác giả đời sau khi chỉnh sửa "Dư địa chí" thêm vào, vì theo bộ sử "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" của triều Nguyễn thì đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Vua Lê Thánh Tông mới đổi phủ Trung Đô thành phủ Phụng Thiên.

Sang thời Nguyễn, phủ Phụng Thiên đổi thành phủ Hoài Đức, gồm phủ Hoài Đức và thêm huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây thời Lê.

Huyện Thọ Xương thời Lê sơ là huyện Vĩnh Xương, tức vùng phía Nam nội thành Hà Nội hiện nay, tương ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần các quận Ba Đình, Đống Đa. Huyện Quảng Đức, sang thời Nguyễn đổi là huyện Vĩnh Thuận, là vùng phía Bắc nội thành Hà Nội ngày nay.

Thời Tây Sơn, Vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân nhưng đã định dời đô về Nghệ An, cho gọi Thăng Long là Bắc Thành. Sang đến triều Nguyễn, năm Gia Long thứ nhất (1802), cho đặt chức Bắc Thành tổng trấn, cai quản cả 11 trấn ở miền Bắc.

Năm Gia Long thứ 4 (1805), nhà vua cho đổi tên huyện Quảng Đức thành Vĩnh Thuận, đổi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức thuộc Bắc Thành.

Thời kì đầu triều Nguyễn, theo sách "Hoàng Việt nhất thống chí" do Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định biên soạn, dâng lên Vua Gia Long năm 1805, thì ban đầu Bắc Thành (hay thành Thăng Long) quản lãnh 5 nội trấn là Sơn Nam Thượng và Hạ, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây, cùng 6 ngoại trấn là Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Yên Quảng. Kinh thành Thăng Long thời Lê đổi thành phủ trực Hoài Đức thuộc thành Thăng Long và có 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận.

Địa giới phủ Hoài Đức được Lê Quang Định chỉ rõ như sau: "Phía Đông giáp Hải Dương, phía Tây giáp Từ Liêm của Sơn Tây, phía Nam giáp Sơn Nam Hạ ở trạm Hoàng Mai. Phía Bắc giáp Kinh Bắc ở sông Nhị Hà (sông Hồng)". Phủ Hoài Đức quản lãnh 2 huyện và vẫn có 36 phường như thời Lê.

Phủ Hoài Đức giới hạn bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông. Bên kia sông Hồng, sách ghi: "Phía Đông sông thuộc huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc". Còn về phía Nam thì địa giới được xác định: "Đi đến xã Phương Liệt, giáp cuối địa giới trấn Sơn Nam Thượng".

Phía Tây của phủ Hoài Đức là khu vực Thủ Lệ ngày nay: "Về phía Tây, có một cái hồ chứa nước rất trong, có nhiều hoa sen, phía Bắc hồ có ngôi miếu cổ, tục gọi là miếu Linh Lang, nổi tiếng linh ứng, đến cầu xã Thượng Yên Quyết là giáp đầu địa giới trấn Sơn Tây, tục gọi là cầu Giấy, trên cầu có mái lợp ngói. Phía Đông cầu này là huyện Vĩnh Thuận, tức cuối địa giới của phủ Hoài Đức, phía Tây cầu là huyện Từ Liêm, tức đầu địa giới của trấn Sơn Tây".

Sau đó, từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831), triều Nguyễn bắt đầu hạ lệnh cho các địa phương từ Quảng Trị trở ra Bắc chia lại hạt, đặt quan. Các tỉnh được lập, trong đó có tỉnh Hà Nội.

Theo bộ chính sử triều Nguyễn "Đại Nam thực lục", khi quyết định việc này, Vua Minh Mạng dụ bảo bầy tôi rằng: "Dựng các trấn làm bình phong và đặt các quan chức để cai trị là chính sách lớn của triều đình, mà gặp việc phải châm chước sửa đổi là cốt cho thích hợp với công cuộc kinh lý. Nhà nước ta gây nền ở cõi Nam, các trấn, hạt đều đặt viên chức chuyên giữ việc chăn nuôi dân. Đến lúc Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta (tức Vua Gia Long) thu về một mối có cả nước Việt. Bắc Thành, 11 trấn, đất rộng, việc nhiều, lúc trong nước bình định hẳn rồi, chỉ giao cho viên quan to chuyên trông coi và chia đặt ra các tào giúp việc...".

Về nguyên nhân phải đặt lại các đơn vị hành chính, nhà vua nói: "Cần phải chiểu theo địa hạt chia người coi giữ cho có chuyên trách, cho chí các hạt Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình về phía bắc kinh kỳ cũng nên sửa đổi một thể và chia đặt ra quy tắc. Như thế thì quan chức không đến nỗi quá bộn, công việc cũng được thoả thuận, tiện nghi, mới có thể không để tệ về sau, giữ mãi được phúc tốt ức muôn năm vô cùng. Lũ ngươi nên hết lòng bàn kỹ để tâu lên".

Sau đó, Hà Nội, tức phủ Hoài Đức thuộc Bắc Thành lúc trước, được hợp với cùng trấn Sơn Nam để đổi thành tỉnh. Tỉnh Hà Nội khi đó thống trị 4 phủ là Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân; có 15 huyện là Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thượng Phước, Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Nam Xang, Duy Tiên, Bình Lục, Phú Xuyên, Kim Bảng, Thanh Liêm.

Theo "Đồng Khánh dư địa chí" thì quần thần tâu Vua Minh Mạng cho tách huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai nhập vào phủ Hoài Đức, lại tách các phủ Ứng Hòa (tức phủ Ứng Thiên - đổi tên năm 1814), Lý Nhân và Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam, gộp với phủ Hoài Đức thành tỉnh Hà Nội.

Trong phủ Hoài Đức thì danh sách 8 tổng thuộc huyện Thọ Xương (116 xã) được ghi trong "Đồng Khánh địa dư chí", gồm các tổng Thuận Mỹ, Đồng Xuân, Đông Thọ, Phúc Lâm, Yên Hòa, Vĩnh Xương, Kim Liên, Thanh Nhàn.

Huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, 40 thôn, trại, phường gồm Tổng Yên Thành, Tổng Thượng (khu vực Bắc Hồ Tây), Tổng Trung (khu vực Nghi Tàm, Yên Phụ), Tổng Nội (khu vực Thập Tam Trại) và Tổng Hạ (khu vực Nam Đồng - Khương Thượng).

Tỉnh Hà Nội thời Vua Đồng Khánh gồm phần phía Nam thành phố Hà Nội, thị xã Hà Đông và các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên và toàn bộ tỉnh Hà Nam ngày nay.

Sau khi cho thành lập tỉnh Hà Nội năm 1831, Vua Minh Mạng cho đặt chức Tổng đốc Hà Ninh coi cả hai tỉnh Hà Nội và Ninh Bình (còn tỉnh Hà Nội, có tuần phủ quản lý trực tiếp). Năm 1832 thì đặt thêm phân phủ Ứng Hòa và Lý Nhân. Năm thứ 1833 thì bắt đầu gọi là Bắc kỳ (chung cho cả 13 tỉnh miền Bắc).

Năm Tự Đức thứ 5 (1852), triều Nguyễn bỏ phân phủ, huyện Thọ Xuân kiêm nhiếp huyện Vĩnh Thuận, huyện Thanh Liêm kiêm nhiếp huyện Bình Lục, huyện Hoài An do phủ Ứng Hòa kiêm nhiếp, huyện Duy Tiên do phủ Lý Nhân kiêm nhiếp.

Ban đầu phủ lị phủ Hoài Đức ở khu vực phố Phủ Doãn, giáp phố Ấu Triệu ngày nay, đến năm 1833 dời về xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (khu vực phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy hiện nay). Do đó, sách "Đại Nam nhất thống chí" viết phủ Hoài Đức cách tỉnh thành 7 dặm (mỗi dặm bằng 0,5 km) về phía Tây. Còn huyện lỵ Thọ Xương ở khu vực Ngõ Huyện ngày nay, nên sách này chép: "Huyện lị ở liền tỉnh thành, cách phủ Hoài Đức 9 dặm về phía Đông Nam. Huyện lị huyện Vĩnh Thuận cũng liền tỉnh thành, cách phủ Hoài Đức 6 dặm về phía Đông".

Năm 1888, thực dân Pháp lấy thành phố Hà Nội (khu vực nội thành và phần khu phố Tây về sau) làm nhượng địa, đổi hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận làm huyện Hoàn Long, đổi tên tỉnh Hà Nội cũ là Hà Đông, dời tỉnh lỵ đến xứ Cầu Đơ (khu vực Hà Cầu, quận Hà Đông ngày nay). Năm 1890, chính quyền Pháp cũng cho tách phủ Lý Nhân ra đặt làm tỉnh Hà Nam. Thành phố Hà Nội thời thuộc Pháp chỉ bao gồm khu vực nội thành, ranh giới bắt đầu từ Hồ Tây đi theo hướng Bắc Nam dọc đường Bưởi đến Cầu Giấy, chuyển xuống dọc đê La Thành rồi kéo thẳng qua phố Khâm Thiên, đến khu vực hồ Thiền Quang lại quay về đến làng Lương Yên.

Mãi đến năm 1942, Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập "Đại lý đặc biệt Hà Nội" gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức. Cơ chế này tồn tại cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là thành phố trực thuộc Chính phủ Trung ương, gồm 17 khu nội thành và 5 khu hành chính ngoại thành.
 
Top