BÀN VỀ XIỀNG XÍCH

nguoitutethatsu

Hạt giống tầm thần
“Trâu ngựa có bốn chân, ấy là Trời
Khớp đầu ngựa, xỏ mũi trâu, ấy là Người”
(Trang Tử)
“Con đầu đàn” tôi từ lâu tâm đắc với lời dạy trên đây của cụ Trang nên không xuất phát từ lợi ích của mình để dạy chó mà thuận theo thiên tính của con chó, nói cho chính xác là đặt lợi ích của mình thuận theo thiên tính của con chó. Cái này cũng có thể gọi là “tri túc”.
Nổi cộm nhất trong vấn đề thuận theo thiên tính là chuyện xích chó. Nuôi chó mà không thỉnh thoảng phải xích chó thì nan giải vô cùng. Cụ Trang là người đẩy đến tận cùng triết lý về tự do. Các triết gia tự do khác quan niệm tự do là thoát càng xa càng tốt sự chi phối của các loại quyền thế và danh lợi, rằng tự do của ta không xâm phạm đến tự do của người khác là đủ, còn cụ Trang Tử thì quan niệm tự do của ta chỉ có ý nghĩa khi nằm trong sự tự do không chỉ của đồng loại mà của cả vạn vật. Không có tài liệu nào nói cụ Trang Tử có nuôi chó hay không, nhưng tôi chắc là không, và có lẽ cụ cũng không nuôi trâu hay nuôi ngựa. Cụ phản đối việc khớp đầu ngựa xỏ mũi trâu nên đương nhiên cụ cũng phản đối luôn việc xích chó, không nuôi chúng cụ mới không vướng vào những vấn đề nan giải. Không nuôi chó nhưng cả cuốn Nam Hoa Kinh của cụ không hề có dòng nào nói xấu con chó, trong khi sách của cụ Khổng Tử thì đầy dẫy những chỗ miệt thị con chó hay con quạ, vốn là những con vật cần được tôn vinh (tôi sẽ bàn về con quạ trong một dịp khác). Cũng xin lưu ý thêm, tuy cụ Trang thỉnh thoảng có coi thường những loài ếch ngồi đáy giếng và đề cao những con vật lớn hễ vỗ cánh là bay mấy vạn dặm hay quẫy một cái là chấn động đại dương, nhưng đó là phép ngụ ngôn về vũ trụ quan, không mâu thuẫn gì với chủ trương “tề vật” (coi mọi vật ngang nhau) của cụ.
Trở lại vấn đề nan giải của việc xích hay không xích chó. “Con đầu đàn” tôi dĩ nhiên không muốn xích chó, nhưng tuyệt đối không xích thì không được. Vườn nhà tôi không có khách và trong tương lai cũng không có ý định tiếp khách, trừ những người thân – những người này tự nhiên là thân quen với cả lũ chó, vì vậy không có yêu cầu xích chó để khỏi làm phiền khách. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta không chỉ yêu thương lũ chó mà còn trân trọng từng cái cây ngọn cỏ. Lũ chó là con mình, còn cây cỏ là bạn mình. Cây lớn, cây nhỏ, rau củ hay cỏ dại, tất tần tật đều là bạn mình, không trừ một thứ gì. “Đường lối chung” là : không có bất kỳ cây cỏ gì được chết, còn chó thì nhất thiết phải được tự do. Đường lối này là bất khả thi, vì cây không chết thì chó ít tự do, còn chó tự do thỏa mái thì cây trồng khó mà toàn mạng. “Con đầu đàn” tôi phải biến sự bất khả thi thành khả thi, qua một số bước “quá độ”.
Những cây cỏ mọc tự nhiên hay những cây trồng đã lớn thì không có vấn đề gì. Chỉ những cây mới trồng là có chuyện. Chó lớn thì không phá cây nhưng lại đào hang bất cứ chỗ nào chúng thích, nhiều cây mới trồng bị đào trốc gốc. Còn chó nhỏ thì cái gì trong tầm với là gặm, là cắn xé. Bây giờ thì tôi thả chó trong một khu riêng, cũng tương đối rộng, rào thì dưới xây gạch trên kéo lưới B40, cái khu riêng này cũng phải trồng cây. Hậu quả là, dù thả ở khu nào thì cây trồng chỉ sống sót được 1/3. Dạy cho chúng tránh xa những gốc cây mới trồng về lý thuyết là có thể, nhưng thực tế thì rất mất thời gian, phải dạy từng con một, con nào được giáo dục rồi thì không phá nhưng con chưa được giáo dục thì cứ phá, riêng đám trẻ con thì chưa giáo dục được, mà đám trẻ con thì bao giờ cũng nhiều hơn đám to đầu.
Giải pháp “quá độ” được áp dụng là xích thay phiên, nghĩa là con nào cũng được tự do và con nào cũng bị xích, thời gian bị xích bình quân mỗi đứa phải chịu chiếm ¼ thời gian ban ngày, riêng ban đêm hoặc những khi mưa gió thì được miễn. Kết quả là số cây được toàn mạng chiếm khoảng 2/3, vẫn còn 1/3 số cây mới trồng bị chết. Trồng được một cái cây ở đây không hề dễ. Tôi trồng trọt theo phương pháp canh tác tự nhiên, không trừ sâu diệt cỏ, không dùng phân hóa học và không sử dụng bất cứ một thứ hóa chất nào. Nếu không có đám chó thì cũng phải mất nhiều năm mới có thể biến khu vườn tiệm cận với tự nhiên, do có đám chó nên phải mất nhiều thời gian hơn, tốn công tốn sức nhiều hơn.
“Con đầu đàn” tôi thỉnh thoảng cũng thấy mình thông minh đột xuất. Ấy là khi tự phát minh ra giải pháp chống heo phá hoại cây trồng. Heo chúng tôi nuôi là giống heo cỏ cổ truyền, thả tự nhiên cho chúng ăn cỏ là chính, chỉ cho ăm dặm thêm chuối cây, rau lang và cám gạo. Bây giờ thì đàn heo cỏ đã được khu trú trong một khu riêng, chia làm ba tiểu khu, chúng tự do ăn và phá hết cỏ ở khu này thì chuyển qua tiểu khu khác, đến hết tiểu khu thứ ba thì tiểu khu thứ nhất cỏ vừa xanh lại. Còn trước đây chúng được thả tự do trong cả khu vườn rộng, không có một thứ cây trồng nào tồn tại được với chúng, trừ cỏ ống. Cả một vườn chuối xanh um không mấy chốc đã bị san bằng. Quan sát thấy con heo không đi vệ sinh bừa bãi, chúng bao giờ cũng bài tiết có nơi có chốn và tuyệt đối không bao giờ ủi vào những chỗ có phân của chúng. Tôi đã đem phân heo rải vào bề mặt những gốc cây. Kết quả là cây cối được bảo toàn. Những gốc chuối nẩy mầm tái sinh xanh mướt, không con heo nào chạm tới. Cái dốt của “con đầu đàn” tôi là không sớm nghĩ đến tập tính tương tự của con chó.
Con chó nuôi trong nhà không có vườn hoặc vườn hẹp hoàn toàn có thể dạy nó đi vệ sinh đúng chỗ, chỉ mất vài ba ngày. Còn sống trong một khu vườn rộng thì chúng thường đi vệ sinh trong lùm cây bụi cỏ, không cố định. Nhưng chúng tuyệt nhiên không đi vệ sinh gần nơi chúng nằm hoặc chỗ chúng chơi đùa. Và nếu quan sát kỹ thì bạn sẽ thấy thậm chí chúng không bao giờ dẫm lên phân của chúng.
Tôi bắt đầu áp dụng tập tính của đám chó như đã áp dụng tập tính của đám heo và thấy nhẹ cả người. Đường lối cây phải toàn mạng, chó phải được tự do coi như bắt đầu khả thi.
HOÀNG HẢI VÂN
(Ký sự Người nuôi chó, kỳ 23, bài đã đăng trên Báo Thanh Niên, có lược bớt chút)

243499167_4541175522608139_663041714534741832_n.jpg
Một trong những lý do cho thấy con chó cao cả hơn con người là con chó không bao giờ đưa đồng loại của chúng vào xiềng xích. Còn con người, có lẽ bắt đầu từ cuộc cách mạng nông nghiệp chuyển từ hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi cho đến tận ngày nay, không chỉ xiềng xích những con vật mà còn xiềng xích lẫn nhau bằng những sợi dây hữu hình và vô hình. Tệ hại hơn, con người còn tự đưa mình vào xiềng xích của đồng loại để đổi lấy danh lợi hay đổi lấy ảo tưởng về an toàn.

 
Top