Quyền Được Tiêm : Chia sẻ của chuyên gia dịch tễ

Leonvntb

Hội viên cảm tử Hội Tam Hoàng
Trong số câu hỏi về tiêm vaccine, tôi thấy nhiều bác, nhiều cụ còn lăn tăn.

Bác ơi, trên 75 tuổi chích vaccine được không? Mẹ chồng con nghe ai nói chích vô bị hành rồi sợ chết, con khuyên đi chích không đi. Người ta phát giấy ưu tiên đi chích cũng không đi. Mẹ chồng con buôn bán ngoài chợ nữa mới lo.
Người nhà tôi 66 tuổi, bị gout, có hội chứng blouse trắng - cực kỳ sợ kim tiêm. Có lần làm xét nghiệm đã bị choáng, toát mồ hôi, môi tái nhợt phải nằm cấp cứu 30 phút mới hồi phục, từ trước đến nay chưa bao giờ dùng bất cứ loại thuốc tiêm hay vaccin nào. Xin hỏi như vậy có tiêm vaccine được không?
Bác sĩ cho hỏi bệnh nhân 60 tuổi, ghép thận 10 năm, uống thuốc duy trì chống đào thải và không có bệnh nền khác thì có nên chích vaccine không?
Bố cháu bị tiểu đường và huyết áp, nếu được gọi đi tiêm thì có tiêm không?

Tôi trả lời họ, dù ai nói gì đi nữa, vững tin rằng tiêm vaccine là cơ hội tốt cho mình, tranh thủ để tiêm càng sớm càng tốt, không được bỏ qua.
Trong nhiều buổi tư vấn cộng đồng online, tôi luôn nói các bạn trẻ ráng thuyết phục người lớn cùng nhà đi tiêm chủng. Gia đình Việt Nam thường có ba đến bốn thế hệ sống chung, hãy tận dụng mọi cơ hội để người lớn tuổi được tiêm trước. Thậm chí, nếu cần, ta hãy nhường mũi tiêm của mình cho ông bà, bố mẹ. Càng nhiều tuổi, càng nên tiêm vaccine sớm.
Vì sao? Thứ nhất, tác dụng phụ của tiêm chủng không đáng ngại, ở người lớn tuổi còn ít hơn người trẻ. Thứ hai, đây là cơ hội duy nhất để chặn đà tăng của F0 và tử vong.

Với người lớn tuổi, hoàn toàn không có chuyện sau tiêm vaccine bị ảnh hưởng sức khỏe. Thậm chí, theo quan sát của tôi, người càng lớn tuổi càng ít "bị hành". Cũng không có chuyện người thể trạng yếu sẽ bị nhiều phản ứng phụ như tin đồn, có người khỏe như voi bị mệt, còn yếu như sên lại không. Hay không có chuyện người đang bị bệnh nền ổn định, tiêm xong sẽ ảnh hưởng bệnh nền. Ngược lại, người bị tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, đặt stent, viêm gan B, C, thiếu máu tán huyết, rối loạn tiền đình... càng nên tiêm sớm, vì nếu mắc Covid, họ rất dễ biến chứng nặng.
Rất hiếm các loại thuốc đang sử dụng bị ảnh hưởng bởi vaccine, tiêm xong bạn vẫn có thể uống thuốc hàng ngày bình thường. Và không phải mọi người bị dị ứng đều không được tiêm. Có những người dị ứng phản ứng mức độ hai như phù mặt, nôn ói, đau bụng dữ dội, phải chích Adrenalin khi ăn một số thức ăn hay thuốc, cả phụ nữ mang thai và cho con bú... đều tiêm được. Người đang bị ung thư giai đoạn cuối - đang chứ không phải đã chữa ổn định, người đang xơ gan giai đoạn cuối, nếu muốn vẫn có thể tiêm và được quyền tiêm.
Hơn 20 năm làm tiêm chủng ở trẻ em, đây là chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất tôi chứng kiến. Và vì thế, tất nhiên càng đông người tiêm càng có nhiều "event" - chuyện không có gì lạ với người trong nghề.

Phản ứng sau tiêm chủng được dịch sang tiếng Việt từ chữ "event". Chữ này trong giới nghệ sĩ thì rất vui, có thảm đỏ, có ca hát tiệc tùng, còn trong tiêm chủng lại làm người dân và nhà quản lý lo lắng, nên tôi xin giải thích cho rõ.
Phản ứng sau tiêm chủng được chia làm hai nhóm: thông thường và nghiêm trọng. Thông thường thì như dưới đây, còn nghiêm trọng thì dễ bị bàn tán, gây lo lắng trong cộng đồng.
Phản ứng được tính từ lúc tiêm. Khi tiêm xong, ở lại theo dõi 30 phút, bạn giữ khoảng cách an toàn, thư giãn; báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều dù tình huống này rất hiếm.

Khi về nhà, người tiêm "bị hành" hay không còn tuỳ cơ địa. Sáu giờ đầu, đa số phơi phới vui vẻ. Sáu tiếng sau thì sẽ gặp các nhóm phản ứng sau.

Nhóm 1 : khỏe re, không thấy gì đặc biệt, đau chút chút nơi tiêm.

Nhóm 2 : thường gặp nhất, đau mỏi người, gai gai sốt, cảm thấy uể oải, đau đầu nhẹ, đêm khó ngủ một chút. Đa số nhóm này sau một hay hai ngày có thể làm việc bình thường, người nào nói không làm nổi là do nhõng nhẽo.

Nhóm 3 : mệt mỏi nhiều, sốt run cầm cập, đau nhức toàn thân, uống thuốc hạ sốt mà vẫn mệt, ráng gồng mình chịu đựng, khoảng một đến ba ngày sẽ hết. Nhóm thứ tư, đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều, tần xuất ra vào nhà vệ sinh tăng đột ngột, ăn uống không được. Những người này nên ráng ăn ít một, cũng sẽ ổn sau 24 đến 48 giờ, nếu mệt quá thì vào viện truyền nước biển.

Với người bị cao huyết áp hay khi khám sàng lọc mới biết huyết áp hơi cao thì nên đo huyết áp mỗi 4-6 giờ trong 24 giờ đầu sau khi tiêm. Sau bốn ngày mà còn đau nơi tiêm hoặc đau nơi nào đó trên người thì đi khám hay gọi điện thoại nhờ tư vấn, hoặc nhắn tin cho tôi.
Phản ứng chỉ như thế. Nếu bạn bị một số vướng mắc khi khám sàng lọc, hãy ngồi lại đợi rồi đề nghị được khám lại, một số người có nguy cơ sẽ được sắp xếp tiêm tại bệnh viện hay tiêm vào cuối buổi, đừng vội bỏ về.
Hàng chục năm làm nhiễm nhi và đọc về vaccine, tôi luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Có lẽ không phải ai cũng biết, gần chục năm trước, đã có nhiều trẻ em và người lớn bị trả giá bằng cái chết vì không tiêm chủng với bệnh sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván. Với đại dịch hôm nay, chúng ta hãy tận dụng mọi cơ hội để được tiêm và tiêm đủ hai mũi càng sớm càng tốt.
Ở tâm dịch TP HCM, số ca F0 đang đi ngang có nghĩa đường cong quy luật lây truyền có thể sẽ đi xuống. Nhưng xin đừng vội mừng. F0 đi ngang còn có thể do nhiều người tự làm test nhanh tại nhà, tự lo vì họ biết y tế địa phương đang quá tải. Chúng ta thực sự chưa biết còn bao nhiêu người F0 có nguy cơ bệnh trở nặng bất thình lình ngoài cộng đồng.
Vì thế, quan trọng hơn việc F0 đi ngang là trong số ca mới, tỷ lệ ca nặng tăng lên không. Đó là lý do tôi cho rằng, mục tiêu lớn nhất bây giờ là không để virus lây cho nhóm nguy cơ. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, phủ vaccine cho cộng đồng chưa phải là mỗi người được tiêm hai mũi mà trước mắt là làm sao để nhiều người được tiêm một mũi nhất, làm sao để nhóm nguy cơ được tiêm một rồi hai mũi sớm nhất.
Tóm lại, tôi xin có hai lời nhắn nhủ. Với tất cả mọi người, tận dụng mọi cơ hội để được tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất, ưu tiên nhóm lớn tuổi và có bệnh nền. Với những người đang làm công tác tiêm chủng, hãy vì người đến tiêm ngừa.
Hãy nhớ nhiều người đã chờ đợi, đã xếp hàng rất lâu để được tiêm, xem họ như người thân của mình, đừng từ chối họ vì những lý do vội vàng hay không đáng. Ta cũng có thể khuyến khích người đi tiêm mang theo máy đo huyết áp đã từng sử dụng để có kết quả chính xác hơn. Thậm chí, nếu huyết áp họ bị tăng đột ngột - có thể do hồi hộp, mua thuốc huyết áp giúp họ. Vì bỏ lỡ một mũi tiêm, biết đâu cái giá là một sinh mạng.
Tôi mới nhận được tin nhắn cho biết, có người khám sàng lọc bị ghi "đã cắt lá lách, hoãn tiêm". Có lẽ điểm tiêm chỉ hỏi người đăng ký rồi loại trừ nên đánh mất cơ hội được tiêm của người có bệnh.
Tất cả mọi người đều có quyền được tiêm chủng. Tôi mong những người tổ chức thu xếp cho mỗi điểm tiêm một bác sĩ "cứng tay nghề" để duyệt lại tất cả trường hợp bị hoãn tiêm. Nếu không, chúng ta có thể có lỗi với dân.
Trương Hữu Khanh
 
Trong số câu hỏi về tiêm vaccine, tôi thấy nhiều bác, nhiều cụ còn lăn tăn.

Bác ơi, trên 75 tuổi chích vaccine được không? Mẹ chồng con nghe ai nói chích vô bị hành rồi sợ chết, con khuyên đi chích không đi. Người ta phát giấy ưu tiên đi chích cũng không đi. Mẹ chồng con buôn bán ngoài chợ nữa mới lo.
Ai không tiêm mời ở yên trong nhà. Tiếc rẻ mấy đồng bạc ra chợ bán rồi lây nhiễm từa lưa hột me cho cả chợ thì vui nhỉ. Trong nhà chắc không có con cháu làm ngành y tế ?? Lúc bị dân phòng nó hốt thì giãy đành đạch CS hại dân.
 
Top