Chuyện làng (số 6)

Truyện số 1: https://xamvn.icu/r/chuyen-lang-so-1.592461
Truyện số 2: https://xamvn.icu/r/chuyen-lang-so-2.592758
Truyện số 3: https://xamvn.icu/r/chuyen-lang-so-3.593455
Truyện số 4: https://xamvn.icu/r/chuyen-lang-so-4.593941
Truyện số 5: https://xamvn.icu/r/chuyen-lang-so-5.595123

Truyện số 6:

CHUYỆN PHÒ LÀNG

Bán dâm là nghề lương thiện. Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, thời nào, ở đâu cũng đều có người hành nghề bán dâm. Làng Chiềng không nằm ngoài quy luật ấy, chỉ có điều, dịch vụ bán dâm ở làng thì cũng dân dã, bình dị như lối sống làng quê vậy.

Cô Duyên là giáo viên mầm non. Cái nghề đó bây giờ mới có tên mỹ miều như thế, chứ ngày xưa người ta gọi là nghề trông trẻ. Cũng không cần phải có chuyên môn đào tạo gì, cứ kiên nhẫn một tí là làm được. Cô Duyên làm nghề này từ sớm lắm. Thời ấy, cả làng chỉ có hai nhà trẻ, cô phụ trách một nơi, tên là Trường Công. Với nhiều gia đình trong làng, có khi cả đời bố lẫn đời con đều đã từng được cô Duyên rửa đít cho. Nói thế để dễ hình dung, cô là người có thâm niên trong nghề.

Chồng cô Duyên, không biết vì nguyên cớ gì, bỏ đi từ thời cô còn trẻ, để lại cô cảnh mẹ goá con côi. Có người bảo, vì chồng cô bỏ đi nên cô mới phải bồ bịch nuôi con. Lại có người bảo, chồng cô vì chán ghét cái tính lẳng lơ của cô mà bỏ đi. Không biết ai đúng ai sai, chỉ biết, cô Duyên là người khéo léo; không những cô yêu thương con trẻ, cô còn rất biết chiều chuộng cánh đàn ông.

Thời đấy không mấy ai gọi là bán dâm, bởi không có chia sòng phẳng theo từng lần đi như bây giờ. Người ta hay gọi là "bồ bịch", là "phải lòng" khi nói về một mối quan hệ trai gái bất chính. Nhiều đàn ông trong làng say mê cô Duyên như điếu đổ. Có ông kia gửi thư tình cho cô, chưa kịp đưa thì bị vợ bắt được, đem ra bêu. Thư lời lẽ tha thiết lắm:

"Duyên yêu dấu, anh nhớ em nhiều lắm!

Hôm qua con mụ quỷ cái về, nó mua cho anh cái áo mới nhưng anh chưa mặc. Anh không thích áo nó mua, chỉ nhớ em thôi…"


Không ai biết cô Duyên từng cặp kè với bao nhiêu người, cũng chưa ai từng bắt gặp cô đi với đàn ông bao giờ. Người ta đồn, có ông được cô tiếp đón tại nhà, có ông lại rước cô về nhà họ. Mọi chuyện cứ thế êm đềm trôi qua, người ta cứ rỉ tai nhau tiếng xấu về cô như thế, nhưng không vì vậy mà người ta thôi gửi con cháu cho cô trông giữ.

Mãi về sau này, khi cô Duyên đã khá lớn tuổi, Trường Công không còn là một nơi giữ trẻ tự phát nữa mà biến thành trường mẫu giáo đàng hoàng. Cô Duyên nghiễm nhiên có chân trong biên chế, thành công chức nhà nước chứ chẳng phải đùa; cô chưa đến tuổi về hưu. Trường cũng mở rộng thành ba lớp, đào tạo bổ sung tới tận năm sáu giáo viên mầm non. Người ta lại kháo nhau, giáo viên ở trường ấy cũng học theo cô Duyên mà đi khách, hoặc giả cô Duyên dẫn khách cho họ kiếm thêm, gọi là gia tăng thu nhập, bù đắp vào đồng lương công chức còm cõi.

Kể ra thì cô Duyên cũng là người thành công trong nghề, cả nghề chính thức và nghề phụ. Đàn ông đến với cô đều đắm đuối lắm, khó mà quên được. Có mấy bà kia đi cấy thuê ở xã trên, phải nhà một ông già đã thất tuần. Trong khi nghỉ ngơi trà nước, ông hỏi mấy người làm thuê từ đâu đến, họ bảo từ làng Chiềng. Ông lại hỏi "Có biết cô Duyên không?", ai cũng tủm tỉm cười không nói. Ông già mới thổ lộ tâm tình, chẳng giấu diếm gì. Đến cuối câu chuyện, ông liên tục thở dài, vẫn một mực:

- Nhưng mà, các bà ạ, tôi yêu cô ấy thật lòng!

***

Xóm Đình có nhà thị Chút, chồng không may chết sớm. Thằng con trai thị càng lớn càng mất dạy, trộm cắp nghiện ngập, làng xóm không thể nào chịu nổi. Gian nhà nát vì thế mà lúc nào cũng phảng phất không khí tang thương.

Thị Chút dáng người thấp bé, nhỏ con, răng cửa lại thiếu mất mấy cái, do một lần thằng con say rượu đuổi đánh mà bị ngã. Thị không biết phải làm sao để sống, nên dù đã đứng tuổi, thị phải bán dâm.

Khách mua dâm thị Chút cũng toàn người nghèo, không được như khách của cô Duyên. Có khi là mấy ông già, thợ hồ hay khách buôn chó mèo, lái lợn gì đó thỉnh thoảng tạt qua làng. Tiền công thì cũng rẻ mạt thôi, đôi khi chỉ là nửa cân thịt lợn hay vài bìa đậu cũng xong.

Bên nhà chồng thị Chút có ông chú họ giàu lắm, có tiền cho vay lãi. Thị cũng thường đến cầu cạnh mượn tiền, sụt sùi kể khổ. Phải cái ông ta tính tình chắc chắn, vay mượn rất đỗi khó khăn. Lần nọ, tốp thợ xây đang làm gần nhà ấy để ý thấy thị Chút hay đi lại, ra vào cửa nhà ấy luôn.

Lại có lần, bà vợ nhà ấy nước mắt rơm rớm, đang ngồi nhỏ to với một bà hàng xóm. Bà kể, mấy ngày trước, bà bắt gặp chồng mình đang ôm thị Chút trong nhà. Bà chết lặng, nhưng không vì thế mà làm toáng lên. Bà thấm nhuần cái đạo lý "xấu chàng hổ ai" mà người xưa vẫn dạy, với lại, bà muốn giữ cái gia đình này cho con cháu.

Từ đấy, người ta chỉ thấy nhà kia, ông chồng không hiểu kiểu gì mà càng về già càng sợ vợ thế. Bà vợ thì bỗng chốc trở thành quay quắt, mắng nhiếc chồng chẳng tiếc lời. Chỉ số ít người biết thì cười thầm mà thôi.

***

Nhà Quý cũng ở xóm Đình, dù chưa lấy chồng bao giờ, nhưng thị có một thằng con trai. Thằng bé trắng trẻo, khôi ngô. Không ai biết bố nó là ai. Cũng may, nó lớn lên tuyệt không giống người nào trong làng.

Nhờ tằn tiện tích cóp, Quý nuôi con kể cũng không đến nỗi quá vất vả. Thị còn cất được gian nhà ngói nhỏ, đón bà Bấc, mẹ thị về ở cùng.

Bà Bấc ở với con trai, nhưng phải cái vợ chồng thằng con bà chi li tai quái quá làm bà không thoải mái, muốn về ở với con gái cho vui tuổi già. Ở với con gái, khổ nỗi, bà cũng phải chứng kiến nhiều chuyện chướng tai gai mắt. Nhưng biết làm thế nào, dù sao đấy cũng là kế sinh nhai của con gái bà.

Khi thằng con Quý đã vào học cấp hai, thị phải hạn chế dần chuyện tiếp đón khách tại nhà. Những buổi tối mùa hè, đám thanh niên làng hay tụ tập trải chiếu trên con đường chạy dọc cánh đồng hóng mát. Lần nọ, có người đàn ông đi xe đạp, chở thị Quý men theo con đường đi xuống đồng sâu. Gặp đám thanh niên thì cất tiếng chào:

- Các đại ca hóng mát ạ!

Bọn chúng chỉ nhìn nhìn rồi không nói gì, cũng là chuyện thường gặp nên quen.

Lại thêm mấy năm, có tay thầy cúng ở xã ngoài thường qua lại luôn. Rồi không hiểu duyên cớ gì, gã dọn hẳn vào ở nhà thị Quý. Bà Bấc lắm lúc bực mình, cạnh khoé đủ điều. Thế rồi bà chịu thua, lại phải dọn về ở nhà con trai.

Khi ấy thằng con thị Quý đã lớn lắm rồi. Một lần ngồi chơi với lũ choai choai, chúng hỏi nó:

- Thế mày gọi lão ấy bằng bố à?

- Chứ còn gọi bằng gì nữa?

Nó ráo hoảnh đáp. Nét mặt cũng hơi có phần cam chịu.

Ở được ít lâu, tay thầy cúng bỏ tiền xây thêm bếp núc, công trình phụ cho mẹ con Quý. Theo thời giá, cũng phải tốn kém cả trăm triệu đồng chứ ít gì. Họ hàng thấy vậy cũng gật gù, thôi thì không chính thức, cũng gọi là từ nay thị có một tấm chồng hờ.

Chuyện như thế tưởng đã xong, nhưng vận may của Quý vẫn còn chưa có hết.

Nguyên cạnh nhà Quý có nhà kia đẻ được ba thằng con trai. Người ta bảo, tam nam bất phú, nhưng đem áp dụng với nhà này thì sai bét cả. Thằng con lớn nổi danh học giỏi, ra đời thành đạt lắm, đã đón cả nhà đi thoát ly từ lâu rồi. Mấy năm nay, nhà ấy về làng định bụng xây cất lại nhà, đặng làm nơi nghỉ dưỡng. Đất nhà ấy xưa kia bé lắm, bây giờ nhiều của, họ muốn mua hết xung quanh để xây cho thật rộng.

Nhà ấy đã mua được hết các nhà gần đấy, chỉ còn nhà thị Quý là chần chừ chưa bán. Không phải thị chê giá rẻ, có trăm mét vuông mà họ trả giá tới cả tỉ đồng, còn hơn cả đất trên phố rồi. Thị tiếc cái bếp với công trình phụ tay thầy cúng mới xây cho, còn chưa tận hưởng được bao lâu.

Thế rồi nhà kia trả phắt thêm trăm triệu, thị Quý bỗng nhiên thành tỉ phú.

Thị trích mấy trăm triệu mua đất ngoài trại, dựng nhà ống hiện đại khép kín, cũng chỉ hết già nửa tiền. Số còn lại thị cho người ta vay lãi, cũng thảnh thơi. So với xung quanh thì có thể coi là khá giả.

Họ hàng nhà Quý đều mừng cho thị. Trong lúc chuyện vãn, có bậc bề trên mới chậm rãi nhận xét:

- Thôi thế là các cụ nhà mình cũng phù hộ cho nó.
Up
 
Top