F. von Hayek - Vì sao những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất?

Latios

Gió lạnh đầu buồi
Vietnam
Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối
Lord Acton
Bây giờ chúng ta phải xem xét niềm tin làm chỗ dựa cho những người cho rằng chế độ toàn trị là tất yếu; nó làm suy sụp sức kháng cự của nhiều người khác, những người sẽ chiến đấu một mất một còn với nó nếu họ hiểu được bản chất của nó. Đấy là niềm tin cho rằng các đặc điểm kinh tởm nhất của các chế độ toàn trị xảy ra là do sự ngẫu nhiên của lịch sử, ở đâu cũng đều do những người đê tiện và lưu manh thiết lập nên. Và nếu, thí dụ, ở Đức, những người như Streicher và Killinger, Ley và Heine, Himler và Heydrich nắm được quyền lực, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng người Đức là một dân tộc xấu xa chứ không phải việc nổi lên của những kẻ như thế là kết quả tất yếu của hệ thống toàn trị. Vì sao hệ thống kiểu này – nếu nó muốn thực hiện những mục tiêu quan trọng – lại không thể được lãnh đạo bởi những người tử tế, luôn luôn vì lợi ích của cộng đồng?
Chúng ta chớ có tự dối lòng, không phải cứ người tốt là dân chủ và không phải tất cả người tốt đều muốn tham gia quản lý nhà nước. Không nghi ngờ gì rằng, nhiều người thích giao việc đó cho những người mà họ cho là có hiểu biết hơn. Mặc dù, nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng không có gì sai hay nhục nhã khi ủng hộ chế độ độc tài của những người tốt. Chế độ toàn trị, là một hệ thống hữu hiệu, nó có thể làm cả việc tốt lẫn việc xấu, tất cả phụ thuộc vào nhà độc tài, chúng ta có thể đã từng nghe người ta khẳng định như thế. Và những người cho rằng không cần sợ hệ thống, mà chỉ sợ nguy cơ là hệ thống bị những người lãnh đạo không ra gì điều khiển, thậm chí có thể còn muốn chặn đứng nguy cơ này bằng cách khi thời cơ đến phải làm sao để quyền lực rơi vào tay những người tốt là được.
Không nghi ngờ gì rằng hệ thống “phát xít” ở Anh hay ở Mỹ sẽ khác rất xa mô hình của Ý hay Đức; không nghi ngờ gì rằng nếu việc chuyển hoá được thực hiện một cách phi bạo lực thì chúng ta có thể hy vọng có được những nhà lãnh đạo tử tế hơn. Và nếu một lúc nào đó số phận buộc tôi phải sống dưới chế độ phát xít thì tôi sẽ thích chế độ phát xít do người Anh hay người Mỹ đứng đầu hơn bất kì người đứng đầu nào khác. Nhưng, xét theo tiêu chuẩn hiện nay thì điều đó cũng không có nghĩa là hệ thống phát xít của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hay sẽ dễ chịu hơn nguyên mẫu của chúng. Có đầy đủ lý do để tin rằng những đặc điểm xấu xa nhất của các hệ thống toàn trị hiện nay không phải là sản phẩm phụ ngẫu nhiên mà là những hiện tượng mà chế độ toàn trị trước sau gì cũng sẽ tạo ra. Khi một chính khách dân chủ quyết định lập kế hoạch cho toàn bộ các hoạt động kinh tế thì chẳng mấy chốc ông ta sẽ phải đối mặt với một trong hai lựa chọn: chấp nhận chế độ độc tài hay từ bỏ các dự định của mình, còn nhà lãnh đạo toàn trị thì phải chà đạp lên đạo đức truyền thống hay là thất bại. Đấy là lý do vì sao trong các xã hội có khuynh hướng toàn trị những kẻ vô đạo đức, những kẻ coi trời bằng vung thường dễ thành công hơn. Không hiểu điều đó là không hiểu được khoảng cách mênh mông, có thể nói một trời một vực, giữa chế độ toàn trị và chế độ tự do, không hiểu điều đó là không hiểu được rằng đạo đức tập thể không thể đội trời chung với những giá trị nền tảng của chủ nghĩa cá nhân của nền văn minh phương Tây.
“Cơ sở đạo đức của chủ nghĩa tập thể” đã từng là đề tài của nhiều cuộc thảo luận, nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây không phải là cơ sở đạo đức của nó mà là những kết quả đạo đức của nó. Các cuộc thảo luận về khía cạnh đạo đức của chủ nghĩa tập thể thường bàn vấn đề là liệu chủ nghĩa tập thể và các nguyên tắc đạo hiện hành có tương thích với nhau hay không hay là muốn cho chủ nghĩa tập thể thực hiện được những điều mà người ta kỳ vọng thì cần phải có những nguyên tắc đạo đức mới. Nhưng câu hỏi của chúng ta là, tổ chức xã hội theo lối tập thể sẽ đưa đến những nguyên tắc đạo đức nào hay quan điểm đạo đức nào sẽ ngự trị? Tác động tương hỗ giữa đạo đức và các thiết chế xã hội có thể dẫn đến hệ quả là đạo đức do chủ nghĩa tập thể tạo ra có thể sẽ khác hoàn toàn với những lý tưởng đạo đức đã từng làm cho người ta thấy cần phải có chủ nghĩa tập thể. Trong khi chúng ta thường nghĩ rằng nếu lòng khao khát chủ nghĩa tập thể của chúng ta bắt nguồn từ những động cơ đạo đức cao thượng thì hệ thống đó phải là nơi vun trồng phẩm hạnh, nhưng trên thực tế, chẳng có lý do gì để một hệ thống phải đề cao những phẩm chất nhằm phục vụ cho các mục tiêu mà người ta dự kiến cho nó. Quan điểm đạo đức ngự trị sẽ phụ thuộc một phần vào những phẩm chất có thể dẫn các cá nhân đền thành công trong hệ thống toàn trị hay hệ thống tập thể và phụ thuộc một phần vào đòi hỏi của bộ máy toàn trị.

* * *
Xin quay lại trong chốc lát với tình hình trước khi diễn ra việc đàn áp các thiết chế dân chủ và thiết lập chế độ toàn trị. Đấy là lúc sự bất mãn của toàn dân đối với chính phủ, một chính phủ vừa chậm chạp, vừa thụ động, bị chói chân trói tay vì các thủ tục dân chủ rắc rối, hành động chỉ để hành động; người ta đòi hỏi chính phủ hành động mau lẹ và quyết đoán. Trong tình hình như thế, một chính khách hay một đảng tỏ ra mạnh mẽ và sẵn sàng “hành động sẽ là người có sức hấp dẫn nhất đối với quần chúng. “Mạnh mẽ” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là nắm được đa số - chính sự bất lực của đa số trong quốc hội đã làm người ta bất mãn. Điều quan trọng là người cầm đầu có được hậu thuẫn mạnh mẽ, một sự hậu thuẫn cho người ta cảm tưởng rằng ông sẽ thực hiện được mọi điều ông ta muốn. Đảng kiểu mới, được tổ chức theo lối nhà binh, xuất hiện trên cái vũ đài chính trị như thế đấy.
Tại các nước thuộc khu vực Trung Âu, nhờ nỗ lực của những người xã hội chủ nghĩa mà quần chúng đã quen với những tổ chức chính trị theo kiểu nhà binh, những tổ chức tìm mọi cách quản lý đời sống riêng tư của tất cả các thành viên của nó. Vì vậy, nếu một nhóm nào đó muốn chiếm đoạt quyền lực không hạn chế thì nó phải sử dụng nguyên tắc này, rồi tiến xa thêm và dựa không phải vào lá phiếu của những người ủng hộ trong những cuộc bầu cử thỉnh thoảng mới được tiến hành, mà phải dựa vào sự ủng hộ tuyệt đối và vô điều kiện của một tổ chức, không cần phải lớn nhưng được tổ chức tốt. Khả năng thiết lập chế độ toàn trị trên cả nước phần lớn phụ thuộc vào khả năng tập hợp xung quanh lãnh tụ một nhóm những kẻ tự nguyện phục tùng cái kỷ luật toàn trị mà họ sẽ dùng vũ lực áp đặt lên toàn thể nhân dân.
Mặc dù các đảng xã hội chủ nghĩa là những đảng khá mạnh, nếu quyết định sử dụng bạo lực thì họ có thể giành được tất cả những thứ mà họ muốn, nhưng họ đã dao động. Chính họ cũng không ngờ rằng mình đã đặt ra cho mình nhiệm vụ mà chỉ có những kẻ tàn nhẫn, nhũng kẻ sẵn sàng bước qua mọi rào cản về đạo đức đã mới có thể thực hiện được.
Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được đưa vào thực tiễn bằng những biện pháp mà đa số những người xã hội chủ nghĩa phản đối, đấy chính là bài học mà nhiều nhà cải cách xã hội trong quá khứ đã học được. Các đảng xã hội chủ nghĩa thời xưa hoạt động trong khuôn khổ của các lý tưởng dân chủ; họ không có tính tàn nhẫn cần thiết để thực thi các nhiệm vụ mà họ đã chọn. Điều đặc biệt là cả ở Đức lẫn ở Ý, chủ nghĩa phát xít đã thành công sau khi các đảng xã hội chủ nghĩa từ chối nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo chính phủ. Họ không muốn áp dụng một cách triệt để những biện pháp mà học thuyết của họ đã dạy. Họ vẫn hy vọng vào phép màu rằng, đa số sẽ đồng ý về một kế hoạch tổ chức toàn bộ xã hội, nhưng những người khác thì đã học được bài học rằng trong xã hội được kế hoạch hoá vấn đề không còn là đa số sẽ đồng ý mà là nhóm lớn nhất là nhóm nào, chỉ cần các thành viên của nó đồng ý là đủ để hình thành đường lối thống nhất cho tất cả mọi công việc hoặc nếu chưa có một nhóm như thế thì ai và làm thế nào để thành lập ra một nhóm như thế.
 
Có ba lý do chính, giải thích vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Theo tiêu chuẩn của chúng ta, cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên những nguyên lý hoàn toàn mang tính tiêu cực.
Thứ nhất, có khả năng là, nói chung, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hoá và khó có thể thống nhất về bất cứ thang giá trị cụ thể nào. Kết quả tất yếu là, muốn tìm thấy thống nhất cao và tương đồng về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, nơi thị hiếu và bản năng nguyên thuỷ và thô lậu giữ thế thượng phong. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức không cao. Có thể nói chính cái mẫu số chung đạo đức cực kì thấp đã liên kết rất nhiều người lại với nhau. Nếu cần tìm một nhóm tương đối đông và đủ mạnh, để buộc những người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của mình thì không bao giờ chúng ta tìm tới những người có thị hiếu phát triển cao và phân hoá một cách sâu sắc - chúng ta sẽ tìm đến “quần chúng”, với ý nghĩa tiêu cực của từ này, tìm đến những người kém độc đáo nhất và ít độc lập nhất, những người có thể dùng số lượng làm bệ đỡ cho lý tưởng của họ.
Nhưng, nếu nhà độc tài tương lai chỉ dựa vào những người có những bản năng đơn giản và nguyên thủy thì số người như thế sẽ không thể đủ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Hắn sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều đơn giản của hắn.
Tiêu chuẩn chọn lựa tiêu cực thứ hai: Hắn phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có, miễn là được rót vào tai họ một cách ồn áo và liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.

Thành tố thứ ba, và có lẽ là thành tố tiêu cực quan trọng nhất để một kẻ mị dân lão luyện có thể tập họp quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. Dường như bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực - chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả - hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm bên ngoài tổ chức dường như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lý, chính nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. Những kẻ cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó. Theo họ, các cương lĩnh tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh tích cực nào. Kẻ thù, bất kể ở bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “kulak” ở Nga, hay bên ngoài – là một trong những phương tiện thiết yếu trong kho vũ khí của lãnh tụ toàn trị.
Việc người Do Thái ở Đức bị tuyên bố là kẻ thù trước khi các nhà tài phiệt thế chỗ cho họ cũng chỉ là kết quả của xu hướng bài tư bản của phong trào, chẳng khác gì việc chọn tầng lớp phú nông (kulak) ở Nga. Ở Đức và Áo, người Do Thái bị coi là đại diện của chủ nghĩa tư bản vì sự thù địch thâm căn cố đế của quần chúng đối với thương nghiệp đã làm cho lĩnh vực này trở dễ thâm nhập hơn đối với những nhóm người không có quyền lựa chọn những nghề cao qúy hơn. Đây là câu chuyện này cũng cũ về các sắc dân ngụ cư: Họ chỉ được làm những nghề hèn mọn và thế là người ta càng căm ghét vì họ làm những nghề đó. Chủ nghĩa bài Do Thái và bài tư bản ở Đức có cùng một nguồn gốc là sự kiện cực kì quan trọng, nó giúp ta hiểu được các sự việc đang diễn ra trên đất nước này; nhưng nói chung, những người quan sát nước ngoài đã không nhận ra điều đó.
* * *
 
link bài viết: https://phamnguyentruong.************/2014/11/f-von-hayek-vi-sao-nhung-ke-xau-xa-nhat.html
 
Top