Một số quốc gia ủng hộ mua đạn ngoài châu Âu cho Ukraine

Ăn Chơi Dính Bệnh Tật

Du Thủ Du Thực
United-States

Pháp và Hà Lan đều ủng hộ kế hoạch mua đạn dược bên ngoài châu Âu để nhanh chóng chuyển các thiết bị quân sự cần thiết đến Ukraine. Đề xuất dự kiến sẽ được đưa ra vào đầu tháng 3.​



Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp ở Paris ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp ở Paris ngày 14/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng Bloomberg (Mỹ) đưa tin ý tưởng mua hàng trăm nghìn viên đạn từ một số quốc gia đã được Thủ tướng Séc Petr Fiala vạch ra tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris (Pháp) ngày 27/2 nhằm thể hiện ủng hộ đối với Kiev và nhấn mạnh quyết tâm của phương Tây giúp nước này giành chiến thắng trước Nga. Thủ tướng Fiala cho biết 15 quốc gia có thể ủng hộ đề xuất của Séc, tuy nhiên ông không nêu tên các nước đó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đề nghị các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) để đạt được giải pháp. Chúng tôi sẽ tham gia vào sáng kiến này. Chúng tôi hoàn toàn cởi mở với nó. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là hiệu quả”.
Sau khi rời cuộc họp, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói với các phóng viên rằng Amsterdam đồng ý đóng góp 100 triệu euro cho kế hoạch của Séc và hy vọng các quốc gia khác sẽ làm theo.
Pháp và các quốc gia khác phản đối sử dụng quỹ của EU để mua đạn dược bên ngoài khối. Bên cạnh đó, Paris kêu gọi dùng số tiền này để phát triển các ngành công nghiệp của chính EU.
Nga đã đạt được những tiến bộ trên chiến trường khi quân đội Ukraine đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và nhân lực sau nhiều tháng bế tắc. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự đoán Nga sẽ chuẩn bị phản công vào cuối tháng 5.
Khi được hỏi liệu phương án gửi bộ binh tới Ukraine có được đưa ra thảo luận hay không, ông Macron cho biết: “Hiện chưa có đồng thuận về việc điều bộ binh một cách chính thức và công khai. Nhưng xét về mặt động lực thì không thể loại trừ điều gì”.
Trong khi đó, trước cuộc họp báo, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khẳng định việc điều động lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) châu Âu tới Ukraine là vấn đề không tồn tại đối với Athens và đại đa số những người đồng cấp của ông.
Tổng thống Ukraine Zelensky trước đó vào ngày 26/2 cho biết EU cho đến nay mới chỉ giao 30% trong số 1 triệu quả đạn pháo đã cam kết. EU thừa nhận vào cuối tháng 1 rằng họ sẽ phải trì hoãn mục tiêu vài tháng. EU đưa ra cam kết về số đạn pháo này vào năm 2023 nhưng đến tháng 1 năm nay cập nhật rằng đến tháng 3, khối sẽ chỉ có thể chuyển một nửa trong số 1 triệu quả đạn pháo.
Tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2024 diễn ra vào tháng này, Tổng thống Séc Petr Pavel cho Praha đã xác định được 500.000 viên đạn pháo cỡ nòng 155 mm và 300.000 viên đạn cỡ nòng 122 mm có thể được giao trong vòng vài tuần nếu có đủ tiền. Tuy nhiên, ông Pavel không nêu tên nhà cung cấp.
Bộ Quốc phòng Séc ngày 23/2 cho biết họ đang điều phối nỗ lực và đảm bảo cam kết sơ bộ từ Canada và Đan Mạch, cũng như các quốc gia khác không muốn nêu tên.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
 
Top