Sân khấu của một lũ hề

Tính Giao

Thích phó đà
Tiếng gọi rằng triều đình của một nước, song chính là sân khấu nhảy múa của một lũ hề. Binh bộ thượng thư mà hỏi đến việc binh không biết một chút gì. Học bộ thượng thư mà không biết đến việc học của dân. Công bộ thượng thư mà quanh năm chỉ biết tu tạo mấy cái lâu đài và lăng miếu của nhà vua. Lễ bộ thượng thư ba năm mới có một lần tế giao(1), cắm cúi vào những cái nghi tiết hão huyền, hủ lễ vô ích. Lại bộ thượng thư, hình bộ thượng thư cũng vậy, mấy ông cụ lớn ấy chỉ biết ngày hai buổi chầu quỳ lạy ở sân rồng, tan chầu trở về, quanh năm ngày tháng như một con lợn ỉ lẩn khuất ở trong chuồng không biết một chút gì cả.

Vua đè ép các quan lớn. Các quan lớn đè ép các quan nhỏ. Các quan nhỏ đè ép dân. Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nồng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo(2) dân quyền gì nữa. Có miệng không được nói có tai khôngđược nghe, phần nào sưu thuế nặng nề, phần nào quan lại sách nhiễu , biết chết mà không dám tránh, bị ép mà không dám than. Chốn thôn dã thì đường sá khuất lấp, trộm cướp nổi lung tung. Ngoài thành thị một bầy quỷ sống, đua nhau ăn thịt dân uống máu dân. Mỗi năm bão lụt, dân bị chết đói, mỗi năm tật dịch, dân bị đau chết, không biết chừng nào.


Trần Huy Liệu
Một bầu tâm sự, 1927

(1) Lễ tế trời của nhà vua.
(2) Đạo, nghĩa gốc là giáo lý, chủ thuyết; dân đạo có thể hiểu là một quan niệm về người dân trong xã hội.
 
Top