Sinh viên và nỗi lo thất nghiệp khi mới ra trường

Nhiều sinh viên lo ngại, sau khi ra trường, bước chân vào thị trường lao động sẽ khó tìm được công việc đúng ngành, mức lương hấp dẫn.

Sinh viên và nỗi lo thất nghiệp khi mới ra trường


Sinh viên sư phạm nghe tư vấn tại gian hàng của các đơn vị tuyển dụng. Ảnh: Vân Hà

Lê Thị Niên Thanh - sinh viên năm cuối chuyên ngành Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM - bắt đầu tìm kiếm việc làm trong ngành từ khi còn hơn một tháng nữa mới tốt nghiệp.
Thanh cho biết, trong bối cảnh công nghệ phát triển, công việc kế toán truyền thống bị đe dọa. Các công việc lặp lại và có tính chất cơ bản có thể bị thay thế bằng các phần mềm và hệ thống tự động, từ đó các công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân lực ở vị trí này. Thị trường lao động đang yêu cầu nhân viên kế toán phải có kỹ năng số hóa, phân tích dữ liệu và sử dụng công nghệ thông tin.

“Các nhà tuyển dụng cũng thường ưu tiên những bạn có kinh nghiệm trong ngành hoặc có thể đóng góp ngay từ những ngày đầu tiên làm việc. Điều này là rào cản lớn đối với sinh viên mới ra trường” - Niên Thanh nói.
Nữ sinh cũng bày tỏ lo ngại khi mức lương thông thường của sinh viên sau khi ra trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí công việc, quy mô doanh nghiệp, kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm làm việc của sinh viên. Mức lương trung bình của người mới làm trong lĩnh vực kế toán là khoảng 7 - 8 triệu đồng. Với Thanh, mức lương này chưa đủ hấp dẫn bởi con số này còn thấp, chưa thể đáp ứng được mức sống ở thành phố lớn như TPHCM.

Mặc dù được đào tạo chuyên ngành kế toán và đang tìm kiếm việc làm trong ngành nhưng Thanh không khẳng định chắc chắn mình sẽ theo nghề. Theo em, hiện nay sinh viên ra trường làm trái ngành, trái nghề là rất nhiều và dần trở thành điều bình thường. Việc làm trái ngành có thể mở ra nhiều cơ hội mới cho các bạn trẻ, tuy nhiên cũng có những khó khăn và rủi ro lớn.

“Chuyển sang làm việc trong một lĩnh vực hoàn toàn mới đòi hỏi thời gian và tiền bạc để học lại kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đồng thời, chúng ta sẽ cảm thấy áp lực cao khi phải đạt được cùng một mức độ hiệu suất như những người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó” - Thanh giãi bày.

Tương tự, em Phạm Thu Thảo - sinh viên năm cuối ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM - cũng bày tỏ nỗi lo với tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp tương lai của bản thân. Thảo cho rằng, mặc dù cả nước đang thiếu giáo viên nhưng vẫn xảy ra tình trạng nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp sau khi ra trường. Nhiều em phải dạy gia sư hoặc làm các công việc khác thay vì công tác trong các cơ sở giáo dục.

Thảo chia sẻ, em mong muốn được làm việc theo đúng chuyên môn mình được đào tạo và giảng dạy trong các trường công lập để ổn định lâu dài. Dẫu vậy, mức lương của nhà giáo hiện nay cũng khiến em băn khoăn.
“Lương của giáo viên, nhất là giáo viên trẻ, còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, chưa đảm bảo để các thầy cô giáo “sống được bằng lương”. Nhiều thầy cô, ngoài việc đứng lớp giảng dạy con trẻ, còn phải kiêm thêm các “nghề tay trái”, phổ biến nhất là bán hàng online” - Thảo tâm sự.
 
Top