Tiếp tục series tìm hiểu về Đạo Đức Kinh Lão tử



Chương 8

A.
Thượng thiện nhược thuỷ
Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh
Xử chúng nhân chi sở ố,
Cố cơ ư Đạo
B.
Cư thiện địa
Tâm thiện uyên
Dữ thiện nhân
Ngôn thiện tín
Chánh thiện trị
Sự thiện năng
Động thiện thời
C.
Phù duy bất tranh
Cố vô vưu
A.
Bậc thượng thiện giống như nước
Nước thì hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh
Ở chỗ mà người người đều ghét
Nên gần với Đạo
B.
Ở thì hay lựa chỗ thấp
Lòng thì chịu chỗ thâm sâu
Xử thế thì thích dùng đến lòng nhân
Nói ra thì trung thành không sai chạy
Sửa trị thì chịu làm cho được thái bình
Làm việc thì hợp với tài năng
Cử động thì hợp với thời buổi
C.
Ôi và không tranh
Nên không sao lỗi lầm


Dịch thơ:

Người trọn hảo giống in làn nước

Nuôi muôn loài chẳng chút cạnh tranh

Ở nơi nhân thế rẻ khinh

Nên cùng Đạo cả mặc tình thảnh thơi

Lòng trong veo, cố giữ đức nhân

Những là thành tín nói năng

Ra tài bình trị chúng dân trong ngoài

Mọi công việc an bài khéo léo

Lại hành vi mềm dẻo hợp thời

Vì không tranh chấp với ai

Muôn đời thanh thản, ai người trách ta​

Bình luận và chú giải:

Tánh của nước là yếu mềm: gặp chỗ trống, thiếu thì chảy vào dư thì chảy ra, lánh cao mà tìm thấp, ngày đêm chảy mãi không ngừng… để lấp đầy những gì trống trên mặt đất. Nó là tượng trưng thực hiện luật quân bình của tự nhiên, lên trên thì làm mưa, làm sương, trên mặt đất thì sinh sông sinh lạch, ao hồ, dưới lòng đất thì sinh nước ngầm… Đâu đâu cũng tưới gội thấm nhuần, luôn luôn tùng thuận, chẳng hề kháng cự: bị cản thì dừng mở đường thì chảy, ống thẳng, bầu tròn, nhưng không mất bản chất bao giờ. Vì vậy mới gọi “hay làm lợi cho vạn vật mà không tranh”.

Thiên hạ đều ham danh mà ghét nhục, thích ở trên cao mà ghét ở dưới thấp, nước trái lại lánh cao mà tìm thấp đây cùng một ý nghĩa với câu: “hậu kỳ thân nhi thân tiên”, chứ không phải như phần đông đã hiểu sai, cho rằng triết học của Lão Tử chủ trương thoái hoá và yếu hèn.

Chữ thiện đây có là ưu thích, thuận chịu

Cư thiện địa: chọn nơi ăn chốn ở, vì chỗ ăn ở ảnh hưởng rất nhiều đến toàn thể con người

Tâm thiện uyên: sống thâm trầm không phù phiếm, xốc nổi hoặc có thể giải nghĩa đối với lòng thì ưa sự hư không, vắng lặng.

Dữ thiện nhân: đối với người thì yêu thương tất cả, không có tình thương riêng tư

Ngôn thiện tín: lời nói thì thành thực trung hậu

Chánh thiện trị: trị thiên hạ thì vụ sự làm cho lòng người đừng loạn

Sự thiện năng: làm việc thì hợp với khả năng hoặc tỏ ra mình là có khả năng

Động thiện thời: hành vi cử động đều hợp thời vừa lúc

Đây là cái hạnh và đạo đức của bậc Thánh Nhân

Tóm lược: Nước bỏ chỗ cao, mà chảy xuống chỗ thấp – ngày đêm, nước làm việc chẳng ngừng, trên trời, nước làm mưa, làm sương. Dưới đất, nước sinh sông, sinh lạch, đâu đâu nước cũng thấm nhuần, tắm gối, nước làm ích cho mọi loài, nước luôn biết cách thay đổi cho hợp với điều kiện hiện có, đắp đê thời nước ngừng, mở của cống cho thoát thì thời nước chảy, nhưng nước cũng chính là thứ vô cùng khó khắc trị nhất, đắp đê mà nước tích luỹ quá nhiều cũng gây vỡ đê,… nước cũng thay đổi hình thù vuông tròn tuỳ theo bình chứa, con người thường có khuynh hướng khác hẳn con người luôn ưa lợi lộc, luôn luôn vị kỷ, vì thế con người phải bắt chước làm nước, kẻ nào hạ mình để phục vụ người, sẽ được mọi người thương mến, và không bị ai chống đối.

Đôi lời lạm bàn:


Điểm này cũng là một cái hay của triết học của Lão Tử, nó khuyến khích con người nên biết sống mềm dẻo, cũng như có sự thích ứng phù hợp với thời đại điều kiện và môi trường sống khác nhau. Giống như các đặc tính của nước đã giải thích ở trên, nguồn tư tưởng này đã xuyên suốt nền văn hoá Á Đông cả hàng ngàn năm và đến tận bây giờ vẫn còn giá trị tham khảo cho các thế hệ sau này.

Mặc dù ở thế kỷ 21 nơi mà các nền văn hoá cũng như giá trị phương tây thường được đại chúng xem là chuẩn mực của văn minh, nhưng với riêng cá nhân tôi vẫn cho rằng giá trị của Đạo Đức Kinh sẽ luôn có chỗ đứng của nó trong tiến trình phát triển của nhân loại bằng một cách nào đấy việc hoà hợp với tự nhiên là phương thức cứu lấy môi trường sống của chính con người hôm nay và cho cả thế hệ mai sau nữa.

Tôi không đề cập đến vấn đề kinh tế trên thế giới, cũng như là vấn đề an ninh lương thực, tôi chắc chắn sống thuận với tự nhiên và áp dụng các công nghệ hiện đại và con người tràn đầy lòng trắc ẩn với nhau mọi chuyện đều sẽ tiến đến chiều hướng tốt đẹp cho chính chúng ta, đất nước nơi chúng ta sinh ra và sinh sống và rộng hơn đó là nhân loại và thế giới mà tất cả các sinh vật đang sinh sống.

P/s : t mặc dù cũng không phải là người thành công gì cho cam, t cũng không phải là người muốn truyền bá cái đạo đức gì nó ghê gớm hay truyền bá Đạo Lão, hay nâng bi Đạo Lão là một cái gì đó rất là ghê gớm. Chỉ mong muốn góp một chút xíu hiểu biết cho anh em xammers nào có hứng thú thì tham khảo hoặc tìm kiếm sự an ủi làm động lực đi tiếp trên con đường phía trước. Dù gì thì gì, con người tồn tại được cho đến hôm nay đâu đó cũng nhờ có những điều tốt đẹp còn tồn tại trong mỗi con người làm cân bằng lại những điều xấu xa nếu không thì con người cũng tự đưa nhau xuống mồ từ rất lâu rồi.
 


Chương 23: Hư vô (虛 無)

1.Hi ngôn tự nhiên

2.Phiêu phong bất chung triêu, sậu vũ bất chung nhật. Thục vi thử giả, thiên địa. Thiên địa bất năng cửu, nhi huống ư nhân hồ.

3.Cố tòng sự ư Đạo giả. Đạo giả đồng ư Đạo. Đức giả đồng ư Đức. Thất giả đồng ư Thất. Đồng ư Đạo giả, Đạo diệc lạc đắc chi. Đồng ư Đức giả, Đức diệc lạc đắc chi, đồng ư thất giả, thất diệc lạc đắc chi.

4.Tín bất túc yên, hữu bất tín yên.

Dịch xuôi:

1.Ít nói, (sống) tự nhiên

2.Vì gió lốc không thổi suốt một buổi mai, mưa rào không suốt một ngày trường. Ai làm những chuyện ấy? Trời, đất. Trời đất còn không thể lâu huống nữa là người

3.Cho nên theo Đạo thì đồng với Đạo. Theo Đức thì đồng với Đức. Theo Mất thì đồng với Mất. Đồng với Đạo, Đạo vui tiếp đó. Đồng với Đức, Đức vui tiếp đó. Đồng với thất, Thất vui tiếp đó

4.Tin mà không đủ, nên mới không tin

Dịch thơ:


1.Sống tự nhiên, xẻn lời ít nói

2.Vì gió giông chẳng thổi sớm, trưa

Mưa rào chẳng suốt ngày mưa

Ai làm gió sớm mưa trưa thế này?

Trời đất còn thoảng bay chốc lát

Vẻ chi người, sống thác dường bao

3.Đem vạn vật ướm vào Đạo cả

Đấng thánh nhân huyền hoá đạo Trời

Người nhân ôm đức chẳng rời

Người ham đắc thất, cả đời vẫn ham

Ôm lấy trời, hân hoan trời rước

Ôm đức ân sẽ được đức ân

Miệt mài công cuộc gian trần

Gian trần vui đón cho thuần hư vinh

4.Kẻ chẳng tin người tin chẳng đủ

Không đủ tin hay cứ không tin

Đoạn 3 và 4 có thể dịch theo cách thứ 2 như sau:

3.Đem vạn vật ướm vào Đạo cả

Đấng thánh nhân huyền hoá Đạo trời

Sá chi sắc thất trần ai

Vui vầy cùng Đạo thảnh thơi mặc tình

Sống huyền hoá, siêu linh thoải mái

4.Người tin, chăng, nào ngại gì đâu

Giải thích và lạm bàn:

Chương này là một chương khá thú vị trong Đạo Đức Kinh bởi mỗi có những bản kinh khác nhau chép lại những bài khác nhau. Có ba chức chính trong chương này là: Đạo, Đức, Thất

Các bản của Vương Bật, Hà Thượng Công, Tống Long Uyên,vv. Đều viết là Đạo, Đức Thất

Bản của Wieger và Duynendak lại viết là Đạo, Đắc, Thất và cho rằng viết Đức là sai

Cho nên việc giải nghĩa chương này chúng ta không thể nào tham vọng đưa ra một ý kiến chính xác mà chỉ mong nói lên cái đại ý.

Đoạn 1 và 2 đại khái Lão tử khuyên chúng ta nên sống giản dị, tự nhiên, tuần tự từng bước tiến lên, đừng lo lắng làm những chuyện bất thường.

Những chuyện bất thường không thể tồn tại lâu dài, cũng như những cơn giông gió, những trận mưa lũ, mưa rào, chỉ chốc lát rồi qua đi.

Hoặc chúng ta có thể hiểu theo nghĩa hãy để vạn vật được yên, đừng cố gắng mó tay vào việc riêng của người đời. Có giúp thì giúp một cách tự nhiên như mặt trời giúp hoa nở mà hoa không hay biết là do mặt trời giúp.

Cũng như cái gì bạo phát thì chóng tàn đó là cái lẽ thường của trời đất, cái gì cố cưỡng, thái quá thì không bền.

Đoạn 3 mới thực sự khó giải thích, đại khái có hai cách giải thích:

Chúng ta thực sự muốn gì, sẽ được nấy:


Muốn Đạo sẽ được Đạo

Muốn Đức sẽ được Đức

Muốn phù hoa, sẽ được phù hoa

Sở dĩ gọi Thất là phù hoa, vì những chuyện vinh hoa được mất ở đời thoảng bay trong chốc lát

Như vậy ở đời muốn đạt được thành quả bất kỳ về phương diện gì, trước hết là phải:

Đặt cho mình một mục tiêu, một lý tưởng

Cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu ấy

Giải thích theo wieger:

Ở đời này chúng ta chỉ nên sống hoà mình với Đạo, còn các chuyện được mất bên ngoài chẳng nên quá quan tâm, như vậy lòng ta lúc nào cũng sẽ ung dung thư thái.

Tinh thần này đã được cụ Nguyễn Công Trứ lồng vào thi ca như sau:

Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong

Cuối cùng Lão tử kết luận:

Ở đời sở dĩ có nhiều người không thành công trong công trình tu Đạo, chính là vì đã không tin vào mình, vào những khả năng vô biên của tâm hồn mình, hoặc là tin chẳng đủ, bởi vì nếu chúng ta có đức tin bằng hạt cải, chúng ta sẽ có thể đào núi lấp biển.

Ở chương này ta thấy Lão Tử đặt cái "tâm" của con người lên hàng đầu, vạn vật từ "tâm" mà sinh, tuỳ tâm mà hình thành suy nghĩ, có kẻ thấy nghịch cảnh là nghịch cảnh, có kẻ lại thấy nghịch cảnh là cơ hội.
Mọi thứ trong cuộc đời con người có lúc lên lúc xuống, vận hạn có lúc tốt lúc xấu, sự xoay đổi liên tục này phải chăng cũng chỉ là thường tình, cứ mãi ôm lấy cái thay đổi liên tục liệu có được hạnh phúc.
Tại đây cá nhân tôi thấy rằng có nét tương đồng rất lớn ở Triết học Phật Pháp là Triết học Lão tử. Không cố gắng nhập cả hai hoặc gượng ép kéo cả hai về một mối, chỉ tại chỗ này bống nhiên cảm thấy có sự giao thoa của hai trường phái.
 
Đạo của lão tử là ví con người như thuyền trên nước thuyền lá thì không thể ra biển khơi mà thuyền buồm thì không thể vào lạch nhỏ. Vô vi không phải là không làm gì mà là chúng ta phải biết được mình là thuyền lá hay thuyền buồm mà chọn ở biển khơi hay về chổ lạch nhỏ như vậy mới thuận với tự nhiên. Nhiều người cứ giải thích vô vi là từ bỏ tất cả không làm gì mà để thuận theo tự nhiên. Vô vi là đừng tranh giành cái mà mình không thể. Là tìm thấy cái mà mình có thể.
 
Top